Hà Giang những phong tục đón Tết kỳ lạ
Dân Tộc Lô Lô ở Lô Lô Chải xã Lũng Cú huyện Đồng Văn |
Tết Nguyên Đán cổ truyền không chỉ là tết chung của cộng đồng các dân tộc người Việt Nam, ngoài ý nghĩa đón mừng năm mới, thờ cúng tưởng nhớ gia tiên, tổ chức các sinh hoạt văn hóa dân gian gia đình và cộng đồng hấp dẫn còn có nhiều tục lạ, nét đẹp văn hóa phong phú và hấp hẫn phản ánh sự phong phú trong đời sống sinh hoạt văn hóa cổ truyền của dân tộc. Hãy cùng Du Lịch Hà Giang Trẻ khám phá những nét văn độc đáo, những phong tục đón Tết kỳ lạ của các dân tộc ở Hà Giang nhé.
Ngày hội của người Lô Lô |
Người Lô Lô “ăn cắp” lấy may trong đêm giao thừa
Đây là phong tục của người Lô Lô ở Hà Giang vào mỗi dịp năm hết Tết đến. Họ đi lấy trộm cầu may nhưng không lấy nhiều, không lấy những vật có giá trị lớn, mà chỉ lấy củ hành, củ tỏi, thanh củi… Người đi lấy may không đi công khai, không rủ nhau đi, không muốn chủ nhà bắt được. Ai cũng đi âm thầm, lặng lẽ, gặp người quen cũng không chào hỏi. Thế nhưng, nhỡ có bị chủ nhà bắt được thì họ cũng không bị trách móc gì. Theo quan niệm của người Lô Lô, nếu người nào trong gia đình mang về nhà được một chút gì thì năm mới sẽ gặp nhiều điều tốt lành, ăn nên làm ra.
Đặc biệt, mỗi gia đình phải đi ăn cắp cái gì đó và phải lấy cho đủ con số 12. Ví dụ, lấy ngô đủ 12 bắp; lấy gà, gạo, hoa quả cứ đủ con số 12. Đó là con số may mắn ứng với 12 tháng trong năm tới. Nếu chỉ lấy được 2 hoặc 3, 4… tức (chưa đủ 12) mà đã bị phát hiện thì bỏ chạy và năm sau, tháng ứng với những con số phải bỏ chạy đó thì phải kiêng kị, không được làm những công việc lớn vì sợ rủi ro.
Ngoài ra, vào chiều 30 Tết, người Lô Lô ở một số vùng khác thường có phong tục niêm phong tất cả đồ đạc và không ai được chạm vào đồ. Từ cái cuốc, cái xẻng, con dao, cái rựa, cái cày, cái bừa, cây cối quanh nhà, chuồng trại… đều được dán giấy quét màu vàng hay màu bạc để các vật này được nghỉ Tết.
Ngày hội Văn hóa Dân Tộc Mông |
Đàn ông Mông phải dậy sớm nấu cơm
Sáng mùng 1, đàn ông Mông phải dậy nấu cơm và làm mọi việc trong nhà thay vì cả năm đàn bà con gái trong nhà đã làm. Người H’Mông quan niệm, con trai là trụ của gia đình nên tất cả mọi việc trong gia đình phải chịu trách nhiệm để giữ được truyền thống cho cả năm. Sáng sớm mùng 1 Tết, ai dậy thì cứ âm thầm mà dậy, không được gọi nhau, vì nếu mà gọi nhau, sâu bọ nghe thấy sẽ đồng loạt “nhỏm dậy” phá hoại ngô, lúa.
Vỗ mông ngày tết
Đồng bào Mông trên cao nguyên núi đá huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đón chào năm mới với không khí rộn rã, tươi vui. Trong nắng xuân ấm áp, mọi ngả đường tràn ngập sắc màu váy áo rực rỡ. Theo phong tục từ xưa, các chàng trai, cô gái Mông không ai hẹn ai, trong trang phục truyền thống nô nức tìm đến các bãi đất rộng, khoảng trống dưới các chân núi để vui chơi, tâm tình. Họ đi thành từng tốp, gặp nhau cùng với những lời thăm hỏi, chúc tụng đầu năm. Các chàng trai mạnh mẽ trong trang phục truyền thống và thể hiện bản lĩnh của mình qua các trò chơi: Đẩy gậy, kéo co, múa khèn… Những thiếu nữ miền sơn cước thướt tha trong tà áo mới, e lệ trong những câu hát giao duyên, trữ tình.
Khi những ánh mắt đã tìm được nhau, cô gái e thẹn sẽ tách khỏi đám đông chờ đợi. Chàng trai ngay lập tức tiến tới, dùng tay vỗ vào mông các cô gái và thả lời ong bướm. Nếu cô gái ưng thuận thì quay lại vỗ nhẹ vào mông chàng trai mà đáp lời đường mật.
Cứ như vậy, đôi trai gái vừa đi chơi hội và vỗ qua vỗ lại trao nhau những lời yêu thương cho đến khi vỗ đủ 9 cặp, tức là hai bên đã chấp thuận nhau, trước sự chứng kiến của nhiều người. Sau đó, các đôi trai gái nắm tay nhau lên núi tìm chỗ tâm sự, trao gửi những yêu thương hứa hẹn.
Ngày trước, sau khi vỗ mông, chàng trai dắt vợ lên lưng ngựa, dong thẳng về nhà mình, nhốt vào trong buồng, cắt tiết gà, cúng ma, 3 ngày mới dắt về nhà gái. Thế nhưng bây giờ, vỗ mông chọn vợ đã có nhiều đổi thay. Trước khi bắt vợ, chàng trai nào ga lăng sẽ tặng một đôi dép, hay một cái khăn, cái gương cho người con gái mình thích để chiếm cảm tình, khi vỗ mông xong thì đi xe máy hoặc đi bộ về nhà trai ở.
Người Pu Péo và tục cướp giọng gà ngày Tết
Người Pu Péo Chơi Xuân |
Người Pu Péo là một trong những cư dân lâu đời nhất ở vùng cao cực Bắc Hà Giang. Họ cũng được xem là một tộc người chỉ duy nhất có mặt sinh sống ở Hà Giang. Người Pu Péo chủ yếu cư trú tại xã Phố Là (huyện Đồng Văn), Sủng Tráng và Phú Lũng (huyện Yên Minh) và một số ít còn lại sống ở xã Yên Cường (huyện Bắc Mê). Theo số liệu thống kê năm 2005, dân số tộc người Pu Péo ở Hà Giang có khoảng 602 người. Tính đến 31-12-2007 có khoảng 663 người.
Người Pu Péo tồn tại song song hai loại dòng họ. Một loại gọi theo tên bằng chữ Hán, đọc theo cách phiên âm của địa phương như Củng, Tráng, Phù… được sử dụng chính thức trong các giấy tờ. Một loại họ khác cổ hơn, thể hiện mối dây liên lạc máu mủ giữa các thành viên của dòng họ, mỗi dòng họ như thế thường gồm một cặp như Kacung – Kacăm, Karảm – Kachâm, Karu – Karựa, Ka bu – Ka bởng.
Mặc dù số dân không đông, nhưng người Pu Péo ở Hà Giang vẫn còn lưu giữ trong ký ức cộng đồng nhiều nghi lễ và cả một kho tàng văn nghệ dân gian phong phú. Cùng với nghi thức về nhà mới còn lễ cúng thần rừng vào ngày 6 – 6 Âm lịch hằng năm. Cũng chính từ nghi lễ này nên khu vực nào có người Pu Péo sinh sống rừng thường được bảo vệ rất tốt, nhất là khu rừng thiêng: việc bảo vệ rừng để có nước làm ruộng và có gỗ làm nhà luôn được truyền tụng từ đời này sang đời khác.
Người Pu Péo là một trong số rất ít dân tộc ở nước ta hiện nay còn sử dụng trống đồng. Họ dùng trống bao giờ cũng có đôi gồm có trống “đực” và trống ”cái”. Hai trống treo quay mặt vào nhau, một người đứng giữa cầm củ chuối gõ trống phục vụ lễ cúng. Khi sử dụng trống xong họ cất trên sàn gác, rất kiêng kỵ khi không có việc mà xê dịch, đưa ra khỏi vị trí nơi cất trống, vì thế họ có quan niệm hồn của ngô, của lúa cất sợ tiếng trống vì nên họ làm chay sau khi mùa màng đã thu hoạch trước khi đưa ra sử dụng phải làm lễ cúng từng chiếc trống.
Theo hồi ức của những người già, trước kia, người Pu Péo ở nhà sàn nhưng do rừng bị tàn phá nhiều nên việc tìm kiếm nguyên vật liệu trở nên khó khăn. Vì vậy, họ đã phải chuyển sang ở nhà đất. Những căn nhà của người Pu Péo có nhiều điểm tương đồng với nhà trình tường của người Mông. Nhưng đường nét kiến trúc và cách bài trí của người Pu Péo đã khiến ngôi nhà có nhiều công năng hơn. Họ tự hoàn thiện cho mình một lối kiến trúc chuyên biệt phân bố không gian sinh hoạt trong một tầng nhà duy nhất một cách rất khoa học. Ngôi nhà trổ một cửa chính ở gian giữa, phía trên cao có thêm năm cửa sổ để hứng ánh sáng nên nhà ở của dân tộc này thường sáng sủa, phong quang hơn những ngôi nhà trình tường của người Mông. Các cột đá kê dưới chân cửa thường được khắc hình con gà trống và mặt trời là biểu tượng cho âm dương tương hợp là nguồn gốc của sự tăng trưởng và phồn thịnh của con người cùng vạn vật trong vũ trụ.
Có lẽ cũng bởi quan niệm này nên vào lúc Giao thừa, người Pu Péo còn có tục “đón giọng gà” hay “cướp giọng gà” để cầu mong may mắn cho năm mới. Khi đến thời khắc Giao thừa, người Pu Péo phải canh chừng mấy chú gà trống. Khi gà vỗ cánh, chuẩn bị gáy, họ đốt ngay một quả pháo, ném vào chuồng gà. Lũ gà giật mình, nhảy lên thi nhau gáy. Ngay lập tức, mọi người hò nhau hát vang trời để át tiếng gà gáy. Người Pu Péo quan niệm: tiếng gà gáy vừa hay, vừa thiêng liêng, đánh thức cả ông mặt trời dậy. Vì thế, ai át được tiếng gà thì sang năm mới sẽ hát hay, gặp nhiều may mắn, thành đạt, hạnh phúc.
Không chỉ duy trì phong tục đón giọng gà mà dân tộc Pu Péo còn có một phong tục đón Tết cổ truyền rất độc đáo. Trong những ngày Tết, người Pu Péo cũng có tục gói bánh chưng nhưng lại gói hai loại bánh: bánh chưng đen (mí uột lặng) ăn vào tối 29 Tết để kết thúc năm cũ và bánh chưng trắng (mí uột lìn) cúng vào tối 30 Tết để mừng năm mới. Khi bước sang năm mới (qua 12 giờ đêm), nếu ai mở cửa ra ngoài thì khi vào nhà phải mang quà vào lấy may; quà đó có thể là một bó củi.
Sáng mùng Một Tết, nam nữ dân tộc Pu Péo cùng nhau đi gánh “nước bạc, nước vàng” để cầu may… Khi đi mang theo một bó hương và giấy vàng, đến mỏ nước thì đốt hương cầu khấn, khi lấy đầy nước vào thùng thì bỏ giấy vàng vào thùng và gánh về. Đó là một trong những biểu hiện của tín ngưỡng liên quan đến nông nghiệp, cầu cho mưa gió thuận hoà để có đủ nước cấy trồng.
Trong ba ngày Tết, dân tộc Pu Péo không rửa bát đũa sau mỗi lần ăn mà chỉ dùng giấy lau sạch. Họ tin rằng, nếu ngày Tết mà bát đũa sạch sẽ thì cả năm sẽ đói ăn.
Nét độc đáo trong ngày Tết của các dân tộc thiểu số nơi cực Bắc địa đầu của Tổ quốc từ bao đời nay vẫn giữ nguyên bản sắc văn hóa.
Ảnh: Ogura, sưu tầm internet